Trẻ nhỏ thường khó tập trung khiến việc tiếp thu từ vựng tiếng Anh của các em không dễ dàng. Dưới đây là những “tuyệt chiêu” giúp phụ huynh và giáo viên khắc phục vấn đề này.
Những tuyệt chiêu này được rút ra từ bộ sách Một trăm lẻ một từ đầu tiên – 101 first words mới được chuyển ngữ tiếng Việt gần đây. Bộ sách chia thành các chủ đề gần gũi trong cuộc sống hàng ngày của trẻ: Gia đình, Cơ thể con người, Các vật dụng trong nhà, Động vật… Với bộ sách này, trẻ sẽ được làm quen với một thế giới hình ảnh sinh động, nhiều màu sắc, từ đó tiếp thu kiến thức dễ dàng hơn.
Số lượng từ vựng
Khi trẻ mới bắt đầu học tiếng Anh, bạn chỉ nên dạy khoảng 6 – 10 từ mới/ buổi học. Thời gian vàng để dạy trẻ là trong 15 – 20 phút đầu của mỗi buổi học. Bởi trẻ em thường rất dễ chán nên chỉ tập trung được khoảng 10 phút đầu mà thôi.
Sử dụng đồ vật trực quan
Sử dụng đồ vật trực quan sẽ giúp trẻ ghi nhớ nhanh hơn. Chẳng hạn như khi học từ vựng về chủ đề vật dụng gia đình, bạn nên lấy trực tiếp từng đồ vật trong nhà như bàn, ghế, giường, tủ, sofa,… để dạy trẻ và cho trẻ thực hành bằng cách chỉ vào từng đồ vật. Với phương pháp này, trẻ sẽ được nhìn thấy chúng hàng ngày nên việc ghi nhớ sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.
Dùng tranh ảnh
Với một số chủ đề bạn không thể tìm được đồ vật trực quan thì có thể dùng tranh ảnh nhiều màu sắc để dạy từ vựng. Bằng hình ảnh nhiều màu sắc, trẻ sẽ dễ dàng hình dung và dễ học hơn. Ngoài ra, việc dùng tranh ảnh có thể giúp trẻ tự mình ôn lại, nếu trẻ có phát âm sai, bạn có thể sửa nhanh chóng cho trẻ.
Chơi trò chơi
Trò chơi cũng là một phương pháp hiệu quả giúp trẻ học từ vựng. Tùy vào độ tuổi của trẻ mà bạn áp dụng các trò chơi khác nhau như: câu đố, hangman, bingo,… Ngoài ra, việc luyện từ vựng bằng trò chơi còn tạo bầu không khí vui vẻ, nâng cao tinh thần học tập của trẻ.
Một vài lưu ý khi dạy từ vựng cho trẻ:
– Không nên học quá nhiều từ cùng lúc.
Khi dạy từ vựng cho trẻ, bạn chỉ nên dạy tối đa là 10 từ, tương ứng với 10 hình ảnh có trong sách. Cách tốt nhất là dạy theo từng chủ đề nhất định. Bạn không nên dạy theo kiểu “nhồi nhét”, sẽ gây phản tác dụng khiến trẻ chán học, dần dần sợ hãi môn tiếng anh.
– Không nên ôn lại bài nhiều lần.
Nếu bạn ép các em ôn lại từ vựng quá nhiều lần sẽ dễ khiến trẻ cảm thấy chán nản. Bạn chỉ nên để cho quá trình ghi nhớ tiếng Anh của trẻ một cách tự nhiên nhất có thể. Hãy nhớ đừng ép trẻ làm điều gì chúng không thích vì dù trẻ có nghe theo bạn nhưng hầu như trẻ không tiếp thu được kiến thúc.
Theo: Zing.vn